QUY TRÌNH ĐÀM PHÁN TIỀN TỐ TỤNG VÀ LỢI ÍCH KHI HAI BÊN CÓ TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG ĐÃ KÝ KẾT
Tranh chấp hợp đồng hiện nay đã dần đa dạng hơn lẫn cả về nội dung và hình thức. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến phát sinh tranh chấp về các vấn đề hình thức, chủ thể giao kết hợp đồng và quyền lợi, nghĩa vụ các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, nhiều người nghĩ ngay đến việc kiện tụng tại Tòa án, lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, nhưng đó không phải là phương thức duy nhất. Để Tòa án thụ lý một đơn khởi kiện cần phải mất một thời gian khá dài và tốn nhiều chi phí, đây là phương án cuối cùng để lựa chọn khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, các bên có thể lựa chọn cách thức đàm phán tiền tố tụng để giảm thiểu mức thiệt hại tối đa khi có tranh chấp xảy ra.
1. Tiền tố tụng là gì?
Trong tiếng Hán việt, “tiền” có nghĩa là trước. Tiền tố tụng là các hoạt động diễn ra trước các giai đoạn tố tụng, có hoặc không bắt buộc. Nhưng phải được thực hiện và có kết quả trước khi có đơn khởi kiện. Thông thường, quy trình giải quyết một vụ án dân sự sẽ không bao gồm thủ tục này. Tuy nhiên, đối với 02 trường hợp ngoại lệ sau đây thì trước hết bắt buộc phải thực hiện thủ tục tiền tố tụng, sau đó mới có thể khởi kiện vụ việc dân sự ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Tranh chấp liên quan đến đất đai (Căn cứ pháp lý tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) và tranh chấp liên quan đến lao động (Căn cứ tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019; điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)
2. Đàm phán trong hợp đồng là gì?
Đàm phán trong hợp đồng được hiểu là khi các bên thông qua trung gian cùng nhau đàm phán, bàn bạc thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã hòa giải. Như vậy, đối với tranh chấp trong hợp đồng thì yếu tố đàm phán rất quan trọng tác động trực tiếp đến kết quả làm việc cũng như lợi ích cho hai bên khi có tranh chấp xảy ra trên thực tế.
⇒ Đàm phán thương lượng tiền tố tụng là một trong những phương thức hòa giải tranh chấp, và được thực hiện trước khi một trong các bên tiến hành hoạt động tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài.
(Căn cứ pháp lý tại Điều 65 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 317 Luật Thương mại năm 2005)
3. Quy trình đàm phán thương lượng tiền tố tụng
– Thông báo về tranh chấp: Thường khi một bên phát hiện hoặc nhận thức rằng vấn đề có nguy cơ tranh chấp, bên phát hiện có trách nhiệm thông báo cho bên còn lại về vấn đề đó thông qua hình thức là văn bản.
– Nếu cả hai bên đã thỏa thuận về thời hạn cho cuộc đàm phán, thì thời hạn đó sẽ bắt đầu tính từ khi bên còn lại nhận được thông báo về tranh chấp.
– Trước khi gặp nhau để thảo luận, các bên sẽ gửi các văn bản liên quan và trao đổi thông tin cần thiết. Nếu cả hai bên đều cảm thấy cần phải có một cuộc thương lượng để giải quyết triệt để vấn đề, một trong hai bên sẽ gửi thông báo với thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc đàm phán hoặc thương lượng.
a. Chuẩn bị
Nếu một bên quyết định yêu cầu Luật sư thay mặt mình đứng ra đàm phán, thì phải hoàn thành các văn bản cần thiết để hình thành mối quan hệ giữa người yêu cầu và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó. (Căn cứ pháp lý tại điểm a khoản 2 Điều 75, khoản 4 Điều 75 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Điều 76 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015)
– Thu thập và xem xét các thông tin liên quan đến tranh chấp gồm hợp đồng, bằng chứng, và các tài liệu pháp lý khác;
– Xác định vấn đề tranh chấp cần giải quyết và mục tiêu hướng đến của mỗi bên trong quá trình đàm phán và thương lượng;
– Đề xuất phương án: Các bên đề xuất phương án để giải quyết tranh chấp thông qua việc gửi thư hoặc thông qua luật sư hoặc đại diện pháp lý của mỗi bên.
b. Tiến hành đàm phán
– Thỏa thuận và trao đổi các yêu cầu, đề xuất và các điều khoản để giải quyết tranh chấp. Các bên có thể thảo luận trực tiếp hoặc thông qua đại diện pháp lý của mình. Để tiến hành thuận lợi, các bên nên thể hiện rõ mục tiêu mong muốn của các bên nhằm thuyết phục đối tác và nằm trong mức “nhượng bộ” trong giới hạn của đối tác trên nguyên tắc tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
– Để đảm bảo tính chân thành và tự nguyện của các nội dung trong cuộc đàm phán, các bên có thể thực hiện các biện pháp như chụp hình, ghi lại biên bản, quay video hoặc ghi âm cuộc họp.
c. Kết thúc đàm phán
– Hoàn tất các thỏa thuận đã được xác lập thông qua việc ký kết giữa các bên về các văn bản thỏa thuận để chấm dứt tranh chấp và giải quyết các yêu cầu và điều khoản đã được thảo luận;
– Dự thảo lại các thay đổi, phát sinh để giải quyết tranh chấp hợp đồng và gửi cho các bên đọc lại, góp ý và chỉnh sửa trước khi chính thức ký kết;
– Tổng hợp và khẳng định lại các vấn đề đã chốt để tránh có ý kiến khác nhau khi soạn thảo hợp đồng;
– Các bên nên thể hiện kết quả đàm phán thông qua văn bản đã được công chứng và có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
4. Vai trò của quy trình đàm phán tiền tố tụng đối lợi ích khi 2 bên khi phát sinh tranh chấp:
- Giải quyết được tranh chấp trong hợp đồng với lợi ích công bằng.
- Giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên với nhau.
- Kết nối quan hệ và tạo dựng được sự tương tác giữa các bên trong hợp đồng.
- Tiết kiệm thời gian, chi phí và các thủ tục tranh chấp tiền tố tụng
- Các bên dễ dàng kiểm soát được việc cung cấp chứng từ và sử dụng chứng từ đó giữ được các bí quyết kinh doanh và uy tín của các bên.
- Giải quyết tranh chấp nhanh chóng, tiết kiệm thời gian giúp các bên hạn chế một số hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, kéo dài gây ra tổn thất;
- Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện có điều kiện của các bên, nên khi đạt được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.
- Bảo vệ danh tiếng: Việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán có thể giúp bảo vệ danh tiếng và hình ảnh của các bên. Tranh chấp công khai và kéo dài có thể gây tổn thương đến uy tín của các tổ chức hoặc cá nhân liên quan.